Giỗ tổ Hùng Vương niên biểu và sự kiện

Thứ sáu - 24/04/2015 03:00 1.550 0
Trong tâm thức của những người con dân đất Việt, từ bao đời nay Hùng Vương là vị Thánh Thuỷ tổ của người Việt.
Lễ rước kiệu tại lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Lễ rước kiệu tại lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Trong tâm thức của những người con dân đất Việt, từ bao đời nay Hùng Vương là vị Thánh Thuỷ tổ của người Việt. Thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ; không phân chia địa lý, vùng miền, quốc gia, dân tộc. Chỉ cần là người Việt Nam hay các dân tộc khác có cùng nguồn gốc, cùng bản sắc văn hoá cội nguồn của cư dân nông nghiệp... đều công nhận Vua Hùng là tổ tiên của dân tộc mình, dòng tộc mình, chi họ mình.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng thuộc dòng bản địa có sự giao thoa, hoà đồng của văn hoá Phật giáo và Nho giáo. Thờ cúng Hùng Vương được xếp đứng đầu hàng dọc trong hệ chuẩn văn hoá Vịêt Nam, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Tế nữ quan trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại đền Quốc Mẫu Âu Cơ, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Tế nữ quan trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại đền Quốc Mẫu Âu Cơ, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không những chỉ có mặt ở hầu khắp các địa phương trên toàn cõi Việt Nam mà còn có mặt trên toàn thế giới, ở những nơi có cộng đồng dân cư người Việt sinh sống và tụ cư. Người Việt lập làng ở đâu thì lập đền thờ Vua Hùng ở đấy với quan niệm con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó.

Vì vậy, thờ cúng Hùng Vương thực sự là một tín ngưỡng bản địa, đã trở thành một hiện tượng văn hóa có sức sống mãnh liệt, có sức lan toả rộng, sâu, lâu bền trong cộng đồng người Việt.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Niên biểu và sự kiện.

- Năm 258 Tr. CN, An Dương Vương - Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thể  Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn, lưu ở miếu Tổ Hùng Vương; nguyện đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn gấm vóc mà Hùng Vương trao lại...”.

- Năm 40, khi dựng cờ khởi nghĩa, Hai Bà Trưng đã dõng dạc bố cáo:

“ Một xin rửa hận quốc thù

Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng ”

- Năm 546, Lý Nam Đế đã xây dựng căn cứ kháng chiến ở hồ Điển Triệt (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) và ở Động Khuất Lão (Tam Nông - Phú Thọ) với niềm tin có các Vua Hùng âm phù để thắng giặc.

- Năm 980, niên hiệu Thiên Phúc Nguyên Niên, triều đình nhà Tiền Lê đã cho soạn Ngọc phả Hùng Vương.

- Thời Hồng Đức Hậu Lê, khi vua Lê Thánh Tông khẳng định: Nho giáo là hệ tư tưởng rường cột của Quốc gia Đại Việt thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được chính thức hoá bằng pháp luật. Năm 1470, Vua sai Hàn lâm viện - Trực Học sỹ Nguyễn Cố soạn: “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương Ngọc phả cổ truyền). Từ đây Vua Hùng đã trở thành bậc đế vương muôn đời của nước Việt, có tông phả giữa thế gian, trời, đất. Cũng chính nhờ tông phả đó mà triều đình Hậu Lê mới có đủ điều kiện làm lễ “tế giao”như các Vua phương Bắc.

- Năm 1479, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã đưa họ Hồng Bàng vào Quốc sử Việt Nam. Đó là bước phát triển vượt bậc trong ý thức hệ và tư duy của Nho giáo Việt Nam. Từ đây về sau Vua Hùng được tôn là Thánh Tổ và được chính quyền Trung ương công nhận; nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước đã xây dựng đền thờ Vua Hùng và các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước. Đền Hùng - Phú Thọ được lưu giữ Ngọc phả Hùng Vương; dân xã Hy Cương được ban phong là dân “Tạo lệ” thừa hưởng hương hỏa ngàn thu.

- Năm 1785, Chúa Trịnh Khải nhân danh Nguyên soái Tổng quốc chính Đoan Nam Vương đã ban hành Lệnh chỉ sửa chữa các đền trên núi Nghĩa Lĩnh để phụng thờ 18 đời Thánh Vương họ Hùng nước Việt cổ.

- Năm 1789, Quang Trung - Nguyễn Huệ ban sắc chỉ, ân tứ cho dân Trung Nghĩa (nay là xã Hy Cương) làm Trưởng tạo lệ, hương khói thờ cúng các Vua Hùng.

- Năm 1874, dưới triều Nguyễn, Vua Tự Đức cho xây dựng Lăng Hùng Vương và đại trùng tu đền Thượng.

- Năm 1917, triều đình nhà Nguyễn giao cho Bộ Lễ chính thức chọn, định lệ ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương: Ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Từ đó đến trước ngày cách mạng tháng 8/1945, Giỗ Tổ năm chẵn do Triều đình tổ chức; năm lẻ do Chính quyền địa phương tổ chức, Nhà nước gửi 3 đấu gạo nếp thơm và 5 quan tiền về làm lễ vật dâng cúng.

- Năm 1941, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được những người cộng sản Việt Nam treo cao tại Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

- Năm 1946, trong ngày Giỗ Tổ, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước đã làm lễ dâng hương cùng một tấm bản đồ và một thanh gươm quý để khảng định ý chí bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam.

- Ngày 18/2/1946, cụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký Sắc lệnh số 22/LCT đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức Nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương.

- Ngày 19/9/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn đền Hùng để gặp gỡ với cán bộ Đại Đoàn 308 - Quân Tiên phong trước khi Đại Đoàn về tiếp quản thủ đô. Người về đền Hùng từ chiều ngày 18/9/1954 và ngủ lại một đêm tại đền Giếng trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Sáng sớm ngày 19/9, Người lên thăm tất cả các đền, đọc bài minh trên quả chuông treo tại đền Thượng. Nghe cán bộ lãnh đạo của Đại Đoàn quân Tiên phong báo cáo tình hình đơn vị và nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội bên gốc cây Vạn tuế trước cửa chùa Thiên Quang. Sau đó xuống đền Giếng gặp và nói chuyện với cán bộ từ cấp đại đội trở lên của Đại đoàn 308, Người căn dặn:

"Các vua Hùng đã có công dựng nước,

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

- Năm 1962, Bộ Văn hóa công nhận Đền Hùng là Dí tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

- Ngày 19/8/1962, sau khi dự mít tinh tại sân vận động Thị xã Phú Thọ, Bác về Đền Hùng. Bác đi thắp hương các đền và nghỉ ăn trưa tại cửa ngách phía Đông Nam của Đền Thượng.

Bác căn dặn: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm quanBác còn nhắc nhở: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích cuối cùng”.

- Từ năm 1969 đến năm 1972, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo và chủ trì 4 cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia (có sự tham gia của một số nhà khoa học quốc tế) về chủ đề: Hùng Vương dựng nước.

Sau hội thảo, đã thống nhất kết luận: Thời đại Hùng Vương có thật trong lịch sử Việt Nam; địa bàn trung tâm của nước Văn Lang là khu vực tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây và một phần Hà Nội ngày nay; Đền Hùng là nơi thờ tự Các Vua Hùng của người Việt Nam.

- Năm 1977, khi thăm Đền Hùng, Tổng Bí thư Lê Duẩn nhắc nhở: “Phải làm ngọn Tháp cao tại đây, để từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và để cả nước hướng về Đền Hùng”.

- Năm 1993, Tổng Bí thư Đỗ Mười cắt băng khánh thành Bảo tàng Hùng Vương tại KDT Đền Hùng.

- Năm 1994, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng (QĐ số 63/TTg ngày 8/2/1994 ).

- Năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

- Năm 1999, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 11- NQ/TW (ngày 28/7/1999) về việc tổ chức các ngày lễ lớn - trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng vương.

- Năm 2000, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình “Chào đón thiên niên kỷ mới” tại Đền Hùng.

- Ngày 3/2/2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đền Giếng - khu di tích Đền Hùng.

- Nhân dịp tết Canh Thìn năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương dự và phát động Tết trồng cây “Đời đời ơn Bác” tại KDT Đền Hùng.

- Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP (ngày 6/11/2001) về nghi lễ nhà nước - trong đó có quy định chi tiết nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

- Năm 2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 33 - NQ/TW (ngày 9/2/2004) về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong 2 năm 2004 - 2005; trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

- Ngày 30/3/2004, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển KDT lịch sử Đền Hùng (QĐ số 48/TTg ngày 30/3/2004).

Lễ dâng hương – Giỗ Tổ Hùng Vương, năm 2006.

Lễ dâng hương – Giỗ Tổ Hùng Vương, năm 2006.

- Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ Luật lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

- Năm 2009, Di tích lịch sử Đền Hùng được Thủ tướng chính phủ quyết định là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009).

- Năm 2009, Chính phủ ban hành Đề án tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và đóng góp tu bổ KDT lịch sử Đền Hùng.

- Năm 2011, UNESCO công nhận Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (Văn bản ngày 24/11/2011).

- Năm 2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Văn bản ngày 6/12/2012).

- Ngày 29/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; trong đó có quy định chi tiết nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

- Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về chủ trương cho xây dựng tượng đài Hùng Vương tại thành phố Việt Trì.

Có thể nói, trải qua hàng ngàn năm lịch sử; đặc biệt từ thế kỷ XV đến ngày nay tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nguồn cội từ tín ngưỡng dân gian đã trở thành tín ngưỡng chính thống của người Việt, được Nhà nước công nhận và trở thành Quốc lễ của nước Việt Nam.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Ý thức cộng đồng.

Trong sách Văn hóa sử cương, cụ Đào Duy Anh cho rằng: “Việc tế tự tổ tiên không phải chỉ cốt cho linh hồn tổ tiên khỏi khổ mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn nữa là nhớ ơn tổ tiên và lưu truyền nòi giống mãi về sau”.(Văn hoá sử cương - Nhà xuất bản VHTT, H.2000 – tr. 250).

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Nhà nước tôn vinh làm Quốc lễ nhằm mục đích cố kết cộng đồng, thông qua các sinh hoạt văn hoá để giáo dục truyền thống lịch sử và ý thức đoàn kết dân tộc, vì sự tồn vong của đất nước.

Tên gọi Hùng Vương đã đi vào thế giới tiềm thức của mỗi người dân. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm tựa tinh thần gắn với đời sống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Hùng Vương được khẳng định là ông Tổ chung và duy nhất của cộng đồng quốc gia dân tộc và trở thành Quốc Thánh chung của đất Việt.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã vượt qua mối quan hệ huyết thống, biên giới địa lý, tôn giáo, dân tộc và ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã vượt ra khỏi tín ngưỡng dân gian để trở thành Quốc tế. Biểu tượng Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Đó là điều căn bản triết lý để hình thành một quốc gia thống nhất. Giỗ tổ Hùng Vương là điểm đồng quy về ý thức cộng đồng - quốc gia - dân tộc./.

Tác giả bài viết: Phạm Bá Khiêm (PGĐ Sở VHTT và DL tỉnh Phú Thọ)

Nguồn tin: baotanglichsuvietnam.vn

Ghi rõ nguồn "Liên Đội THCS Hoàng Văn Thụ Quận 10" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này.
 Tags: hùng vương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây