VIỆT NAM KỲ VĨ · 11 CỘT MỐC TRÊN BIỂN

Thứ sáu - 11/02/2022 21:57 1.302 0
Sau 11 năm, tôi hoàn thành được mục tiêu đặt chân đến 11 điểm cơ sở đánh dấu lãnh hải Việt Nam.
VIỆT NAM KỲ VĨ · 11 CỘT MỐC TRÊN BIỂN

Chạm vào biên giới, biên cương, hải đảo lãnh thổ của Tổ quốc luôn luôn là một cảm xúc rất đặc biệt. Tôi nhen nhóm mục tiêu của mình vào một đêm không ngủ dưới bầu trời đầy sao Đại Lãnh và quyết tâm khi được chứng kiến khoảnh khắc một tia sáng chớp lên từ phía chân trời, mặt trời vụt lên trên mặt biển như một đường lửa. Cực đông của Việt Nam trên đất liền - điểm A8 đường định vị lãnh hải - là đây.
Từ đó, tôi tìm mọi cơ hội để được đến với những điểm A khác. Hòn Nhạn A1 đi từ Thổ Chu (Kiên Giang), xung quanh là đá ngầm khiến việc cập bờ vô cùng khó khăn. Chuyến đi hòn Đá Lẻ - A2 từ Hòn Khoai (Cà Mau) phải sắp xếp, tham khảo kỹ lưỡng thời tiết tới lần thứ hai mới thực hiện được. Ba điểm A3 - hòn Tài Lớn, A4 - hòn Bông Lan, A5 - hòn Bảy Cạnh ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) tưởng gần, ngỡ dễ nhưng lại rất khó khăn vì phải đi xa, chi phí thuê tàu cao, sóng gió khiến thuyền khó cập vào dễ xảy ra tai nạn, phụ thuộc vào thời tiết và thủy triều...
Để đến với điểm A6 - hòn Hải (Bình Thuận), tôi phải xin phép và chờ đợi hơn một năm trời mới có được cơ hội lên chuyến tàu tiếp tế của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ để vượt 150 hải lý từ Nha Trang. Tàu rời bến được hai giờ đồng hồ thì mưa dông trắng xóa, sóng lớn nhồi giật tung tàu lên cao mấy mét rồi rơi tự do xuống mặt biển. Chúng tôi phải neo tạm ở Mũi Dinh tránh bão, rồi hôm sau tiếp tục neo ở đảo Phú Quý để chờ sóng yên biển lặng. Sau hai ngày đêm, trước mắt tôi là một khối đá sừng sững hiện ra trên biển trong ánh bình minh: hòn Hải.
Cứ vậy, tôi tiếp tục hành trình của mình để đến với hòn Đôi (Khánh Hòa) - A7, hòn Ông Căn (Khánh Hòa) - A9, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - A10, chờ đợi qua những cơn bão số 7, số 8, số 9, số 10 của năm 2020 để được đến với A11 - đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).
Sự kỳ vĩ của thiên nhiên, lời lẽ và kể cả những tấm ảnh cũng khó lòng nói hết được. Ngoài đam mê khám phá, tôi thật sự muốn những hình ảnh, câu chuyện của mình sẽ góp phần lan tỏa đến những người con đất Việt niềm tự hào về biên cương lãnh thổ, biên giới hải đảo của chúng ta.

TÔI YÊU VIỆT NAM

11cotmoctrenbien


ĐƯỜNG CƠ SỞ THEO LUẬT BIỂN VIỆT NAM

Chương II, điều 8, Luật biển Việt Nam nêu rõ: “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn”.
 Theo đó, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối liền các điểm có tọa độ ghi trong phụ lục đính kèm Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày 12-11-1982. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam từ điểm tiếp giáp 0 của hai đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia nằm giữa biển, trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Châu và đảo Poulo Wai đến đảo Cồn Cỏ theo các tọa độ ghi trong phụ lục, được vạch trên các bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1979.
 Đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến cửa vịnh Bắc Bộ; đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được quy định cụ thể sau:

Hòn Nhạn - A1
Hòn Đá Lẻ - A2
Côn Đảo & A3, A4, A5
Hòn Hải - A6
Hòn Đôi - A7
Mũi Đại Lãnh - A8
Hòn Ông Căn - A9
Lý Sơn - A10
Cồn Cỏ - A11

vn 11 cot moc tren bien

Nguồn tin và xem chi tiết tại : https://tuoitre.vn/viet-nam-ky-vi-11-cot-moc-tren-bien-20210211013349052.htm

Tác giả bài viết: Hải An

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây