Tiểu sử Đồng chí Hoàng Văn Thụ

Đồng chí Hoàng Văn Thụ
(04/11/1909 - 24/5/1944)
Đồng chí Hoàng Văn Thụ
Đồng chí Hoàng Văn Thụ người dân tộc Tày, quê ở thôn Phạc Lạn, Tổng Nhân Lý, Châu Văn Uyên, nay là thôn Phục Lạn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1929 được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Năm 1934 được bổ sung vào Xứ uỷ Bắc Kỳ. Năm 1939 được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Năm 1940 được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Năm 1941 được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương, phụ trách công tác công - binh vận, sáng lập báo Cờ giải phóng. Tháng 8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp bắt và bị xử bắn ngày 24/5/1944, tại Bạch Mai (Hà Nội).
Sáng ngày 24 tháng 5 năm 1944, thực dân Pháp mang ông ra xử bắn. Ông ung dung ra pháp trường Tương Mai. Khi giám thị hỏi ông có cần bịt mắt hay không, ông trả lời không cần. Quan toà hỏi ông có cần nói lời cuối cùng, ông nói: "Trong cuộc đấu tranh sinh tử, giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng". Cha cố hỏi ông có cần rửa tội hay không, ông đáp: "Cảm ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước là có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát xít Đức bên nước ông đều là có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội không?".
Ông sáng tác nhiều bài thơ cách mạng bằng cả tiếng Tày lẫn tiếng Việt. Trước khi bị địch bắn, Ông đã viết một bài thơ tuyệt mệnh gửi ra ngoài nhà tù cho các đồng chí của mình. Đó là bài thơ "Nhắn bạn" bất hủ:
Việc nước xưa nay có bại thành,
Miễn sao giữ được trọn thanh danh,
Phục thù, chí lớn không hề nản,
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm,
Chí còn theo dõi biển tung hoành.
Hỡi bạn gần xa đang chiến đấu,
Trước sau xin giữ tấm lòng thành!

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây