Báo Tuổi trẻ - Câu chuyện về lòng hiếu thảo của Thái Duy Trường - cậu học trò người dân tộc Khmer mới 14 tuổi nhưng hằng ngày đi chặt củi dừa, bán vé số kiếm tiền nuôi bà nội gần như mù lòa - làm xúc động cả xóm nghèo. Nói như ông Thạch Sa Phách - bí thư ấp Nguyệt Lãng B, xã Bình Phú, huyện Càng Long (Trà Vinh), đó là chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo giữa lòng phum sóc Khmer.
Côi cút bên nội
Nằm giữa vườn dừa tỏa bóng mát rượi, ngôi nhà phên lá dừa của bà Thạch Thị Khôi (78 tuổi) và cậu bé Thái Duy Trường (14 tuổi) ở huyện Càng Long được che chắn tạm bợ, trống hoác từ trước ra sau. Mấy cái cột tre trong nhà đã cũ, mối mọt ăn gần hết. Chiếc giường gỗ kê trên nền đất đã lỏng chân. Cái tivi sờn cũ bắt đài lúc được lúc không là món đồ quý giá nhất trong nhà.
Thấy khách lạ, bà Khôi chống gậy men theo vách nhà ra chào hỏi. Bà kể mấy năm gần đây mắt yếu hẳn nên gần như chẳng còn nhìn thấy gì.
"Suốt ngày quanh quẩn ở nhà thôi cậu ơi, đi lỡ té, thằng Trường về lại buồn. Nó thương tui lắm, sợ tui đi té ngã bỏ nó lại một mình thì nó không biết sống với ai" - bà Khôi bộc bạch.
Bà Khôi kể, mình có 12 người con, nhưng hiện chỉ 4 người còn sống. Do hoàn cảnh khó khăn, con cái cũng không đỡ đần được gì nhiều, chỉ lâu lâu ghé thăm nhà gửi cho vài trăm ngàn mua bọc gạo. Miếng đất đang ở chừng 10 tầm cấy (khoảng 1.000m2) cũng dành dụm từ tiền cấy lúa mướn thời bà còn con gái.
Ngày ấy, cha của Trường lên Sài Gòn làm phụ hồ rồi quen với mẹ Trường. Dẫn về quê nhà chung sống một thời gian, lúc Trường gần thôi nôi thì mẹ Trường bỏ đi. Đến giờ bà Khôi cũng không hiểu lý do, sợ cháu tủi nên bà cũng chẳng bao giờ nhắc chuyện đó. Cha Trường cũng bỏ lên lại Sài Gòn làm việc, sau thời gian thì trở về quê kết duyên với hạnh phúc mới.
Mẹ Trường bỏ đi, bà Khôi gánh luôn vai trò của một người mẹ. Dù lúc đó đã 64 tuổi nhưng bà vẫn đi làm cỏ, giặm lúa, gặt lúa mướn để có tiền lo cho cháu. "Ngày xưa mỗi công cấy người ta trả cho chục lít gạo. Một mùa cấy như vậy cũng mần được 30 - 40 công, đủ gạo nuôi cháu" - bà Khôi kể.
Ông Sơn Ngọc Thi (51 tuổi) - hàng xóm kế bên nhà thỉnh thoảng ghé qua san sẻ chút gạo, mắm - cho biết ngày ông còn trẻ đã biết bà Khôi. Nhìn cảnh bà tuổi đã cao nhưng vì nuôi cháu vẫn ngày ngày đi ruộng gặt lúa mướn khiến ai cũng thương.
"Chồng bả mất trước khi thằng cháu Khôi sinh ra. Bả một mình bươn chải nuôi thằng Khôi khôn lớn. Phum, sóc ai cũng thương, có việc gì làm là đều kêu bả đi mần đặng có tiền nuôi cháu" - ông Thi chia sẻ.
Tôi gặp Trường lúc em vừa bán hết 50 tờ vé số trở về nhà. Cậu bé đẹt ngắt, tóc vàng cháy nắng, da đen nhẻm nhưng đôi mắt thì vô cùng sáng rỡ, vui vẻ. Vừa tháo túi đựng vé số xuống, Trường quay sang nói với bà Khôi: "Nay nội còn mệt không? Con chở nội ra trạm xá chích thuốc nha".
Biết bà bệnh tim, mấy nay sức khỏe trở yếu nên Trường tranh thủ bán hết sớm để về với nội. Nói xong, Trường vào nhà lấy gạo vo, thổi lửa nấu cơm cho hai bà cháu ăn. Bữa cơm đơn sơ với mớ cá nhỏ kho mặn cùng vài cọng rau vườn. "Em biết rang tép, luộc hột vịt, chiên trứng cho nội ăn ngon miệng" - Trường hào hứng khoe.
Không sợ cực, chỉ sợ nội không còn
Trường chặt củi dừa, rồi đi bán vé số gần một năm nay. Buổi sáng cậu bé lãnh 50 tờ vé số đi bán, chiều thay đồng phục học sinh lên lớp. Thời gian rảnh, Trường đi chặt củi dừa, bó tàu lá dừa hoặc men theo mấy con kênh giăng lưới bắt cá, soi ếch kiếm tiền nuôi nội. Có con cá to, Trường cũng dành phần nội.
Lúc Trường xin đi bán vé số, nội ngăn cản nhưng cậu nài nỉ: "Nhà mình nghèo, lại nợ tiền người ta nên con đi bán kiếm tiền trả nợ cho nội nha. Nội đừng lo, con lãnh ít bán vòng vòng đây thôi".
Hôm nào đi học về sớm, Trường lãnh thêm vé hôm sau bán buổi tối. Ngày ít kiếm được 50.000 đồng, nhiều thì 100.000 đồng. Cậu bé khoe với tôi mới bán 2 thước củi dừa được 120.000 đồng. Mấy hôm trước còn bán được 10 bó lá dừa được thêm 30.000 đồng.
"Con mừng quá, có tiền nuôi nội là hết biết mệt" - Trường nói giọng mừng rỡ.
Hằng ngày, Trường đạp xe cọc cạch đi bán vé số. Thấy Trường tội nghiệp, bà con quanh vùng ai cũng mua để cậu bé có thể về sớm chăm bà, ôn bài cho buổi học chiều.
Hơn năm trước, bà nội bị bướu phải lên Sài Gòn phẫu thuật. Thương nội, Trường đi theo để chăm sóc, phải nghỉ học 1 năm. "Thương nó lắm, nhất quyết đòi theo để chăm tui, sợ tui bơ vơ. Tui cũng thương nó nên không nỡ để nó ở quê một mình. May là tui bướu lành tính để còn bên nó" - bà Khôi trải lòng.
Đợt đấy, bà Khôi cố đất cho hàng xóm lấy 20 triệu đồng đi phẫu thuật. Thời hạn 3 năm bà phải trả vốn lẫn lời, biết vậy nên Trường bán được bao nhiêu đều gửi cho nội cất giữ đặng có tiền trả nợ.
Tháng trước, Trường xin nội dành 45.000 đồng để nuôi bầy vịt thả trong vườn dừa. Đi học về là cậu xắt rau, lấy cám cho vịt ăn. Ngày nào cũng ngắm nhìn xem chúng lớn thế nào. "Con nuôi để nội thủ thỉ bớt buồn, nó kêu cạp cạp vui nhà" - Trường cười chia sẻ.
Hiện Trường đang học lớp 7 Trường THCS Bình Phú, học lực khá. Nói về ước mơ, cậu bé bày tỏ: "Con sẽ cố gắng học hết lớp 12 rồi đi làm kiếm tiền nuôi nội. Con không sợ cực, chỉ sợ nội không còn sống với con".
Trường không nhớ mặt mẹ, hỏi có mong gặp lại mẹ không thì Trường mỉm cười nói: "Con không giận mẹ. Ngày nào đó gặp lại mẹ chắc con vui lắm, nhưng giờ con không biết mẹ...". Trường nói giọng rời rạc rồi bỏ lửng câu chuyện.
Ông Thạch Sa Phách cho biết gia đình bà Khôi là hộ nghèo tại địa phương. Mỗi khi có nhà hảo tâm đến hỗ trợ hộ nghèo thì ấp luôn ưu tiên cho gia đình bà Khôi. "Trường thương nội lắm, nhìn cảnh nó bán vé số, chặt củi dừa nuôi nội mà ai cũng cảm phục. Tấm lòng hiếu thảo của cậu bé là tấm gương cho bao người" - ông Phách chia sẻ.
Theo máy gặt bắt chuột đồng Mùa thu hoạch lúa, Trường tranh thủ cuối tuần theo máy gặt bắt chuột đồng bán kiếm tiền nuôi nội. Mỗi ngày như thế, Trường bắt được vài ký chuột, bán kiếm vài chục ngàn đồng lo thêm cho nội. "Cái gì làm kiếm được tiền là con làm hết, chỉ mong có tiền lo cho nội lúc về già. Mắt nội mờ lắm rồi, nghe nói phải đi mổ chứ không là mù luôn. Con cố kiếm tiền rồi dẫn nội lên Sài Gòn mổ mắt" - Trường chia sẻ. |
Tác giả bài viết: Thành Nhơn
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ