2-7-1976
Ngày 02/7/1976 , nước ta đổi quốc hiệu từ Việt Nam dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vừa chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946).
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trải qua gần 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt với nhiều giai đoạn đối phó với các kế hoạch, chiến lược khác nhau của đế quốc Mỹ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là trận quyết chiến, chiến lược vĩ đại của quân và dân ta, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam, non sông quy về một mối. Hội nghị quyết định thống nhất về mặt nhà nước bằng một cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước. Ngày 02/7/1976, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Quốc hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định nhà nước Việt Nam có hình thức thể chế là cộng hòa xã hội chủ nghĩa, có chế độ chính trị dân chủ, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.
Hiến pháp năm 1980, năm 1992 và hiện nay là Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận Quốc hiệu đó và đã trở thành Quốc hiệu chính thức cả về pháp lý lẫn trên thực tế.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.